HƯỚNG DẪN SINH HOẠT CỦA ĐẠI BIỂU
TẠI ĐẠI HỘI

ĐẠI BIỂU THAM DỰ ĐẠI HỘI CẦN THỰC HIỆN THEO ĐÚNG CÁC HƯỚNG DẪN SAU:

 
1. Phải đảm bảo có mặt trước giờ làm việc của Đại hội ít nhất 15 phút. Đại biểu tham dự đầy đủ các nội dung sinh hoạt của đại hội.

2. Ăn mặc lịch sự, nghiêm trang đúng theo quy định:

– Đại biểu tham dự Đại hội phải đeo thẻ đại biểu, đeo huy hiệu Đoàn phía bên ngực trái.
– Đại biểu tham dự mặc áo thanh niên, quần/váy sẫm màu.
 
3. Thực hiện nếp sống văn minh tại Đại hội:
–  Đoàn kết, thân ái, tôn trọng và lắng nghe ý kiến phát biểu, tranh luận tại Đại hội.
– Không làm việc riêng, không hút thuốc lá, không sử dụng máy ghi âm, camera, điện thoại di động, máy nhắn tin, giữ gìn vệ sinh chung khi tham dự Đại hội.
– Không mang theo vũ khí, chất gây cháy, nổ.
 
4. Đại biểu dự Đại hội nhận tài liệu về tham khảo trước từ trưởng đoàn. Trưởng đoàn phải báo cáo số đại biểu của đoàn cho Ban thẩm tra tư cách đại biểu. Khi có đại biểu vắng mặt, trưởng đoàn phải báo cáo ngay cho Đoàn Thư ký.
 
5. Đại biểu ngồi đúng khu vực quy định theo sự sắp xếp của Ban Tổ chức Đại hội.
 
6. Hồ sơ tài liệu của đại biểu không được giao cho người khác, đại biểu sử dụng các tài liệu trong suốt quá trình Đại hội. Các tài liệu quy định thu hồi, trưởng đoàn có trách nhiệm thu lại từ các đại biểu của đơn vị mình và nộp lại cho Đoàn Thư ký.
 
7. Các trưởng đoàn có nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc và nhắc nhở các đại biểu của đơn vị mình nhằm thực hiện tốt các hướng dẫn trên.

BAN TỔ CHỨC ĐẠI HỘI

QUY CHẾ LÀM VIỆC CỦA ĐẠI HỘI

QUY CHẾ NÀY QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ:
I. Đại biểu dự Đại hội
II. Đoàn đại biểu
III. Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký, Ban thẩm tra tư cách đại biểu, Ban bầu cử.
IV. Biểu quyết và bầu cử trong Đại hội
V. Chế độ thông tin và phát biểu trong Đại hội
VI. Chấp hành quy chế làm việc.

I. ĐẠI BIỂU ĐẠI HỘI:

Điều 1: Đại biểu chính thức của Đại hội
– Đại biểu là UV BCH Đoàn Viện
– Đại biểu do đại hội hoặc Đại hội đại biểu các chi đoàn trực thuộc bầu chọn theo phân bổ của Đoàn Viện.
– Đại biểu do BCH Đoàn Viện chỉ định.
– Đại biểu tham dự Đại hội phải có thư triệu tập của BCH Đoàn Viện. Trong trường hợp đại biểu chính thức không thể tham dự Đại hội thì đại biểu dự khuyết sẽ thay thế tham dự Đại hội nhưng phải báo cáo với Ban Tổ chức Đại hội trước 3 ngày diễn ra Đại hội.

Điều 2: Nhiệm vụ và quyền hạn của đại biểu chính thức
1. Tham gia xây dựng, biểu quyết và thực hiện chương trình, quy chế làm việc của Đại hội. Thảo luận và biểu quyết danh sách Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu, Ban Bầu cử.
2. Thảo luận và đóng góp vào các văn kiện của Đại hội.
3. Thảo luận nhân sự, bầu cử BCH Đoàn Viện nhiệm kỳ IV.
4. Biểu quyết các vấn đề khác của Đại hội.
5. Đề xuất ý kiến về công việc của Đại hội thông qua trưởng đoàn đại biểu của đơn vị mình và khi cần thiết thì trực tiếp với Đoàn Chủ tịch.
6. Đại biểu phải thực hiện quy định sinh hoạt đại biểu trong Đại hội.

Điều 3: Đại biểu dự khuyết
– Là đại biểu do các đơn vị Đoàn cơ sở trực thuộc giới thiệu theo chỉ tiêu phân bổ nhằm thay thế cho các đại biểu chính thức không tham gia Đại hội có lý do.
– Đại biểu dự khuyết chỉ được Ban Thường vụ Đoàn Viện triệu tập khi có công văn yêu cầu của đơn vị khi đại biểu chính thức của đơn vị đó vì lý do phải vắng mặt không thể tham dự Đại hội được.
– Khi được triệu tập thay thế, các đại biểu dự khuyết có quyền hạn và trách nhiệm như đại biểu chính thức.

II. ĐOÀN ĐẠI BIỂU:

Điều 4: Đoàn đại biểu được tổ chức theo cấp chi đoàn trực thuộc bao gồm các đại biểu chính thức do cơ sở bầu chọn, đại biểu chỉ định của BCH Đoàn Viện và các đồng chí trong BCH Đoàn Viện (Đại biểu đương nhiên) được phân bổ tham gia các đoàn tại Đại hội.

Điều 5: Nhiệm vụ của đoàn đại biểu:
1. Đề cử trưởng đoàn.
2. Thực hiện chương trình và quy chế làm việc của Đại hội.
3. Trưởng đoàn điều hành hoạt động của đoàn đại biểu. Báo cáo đầy đủ, chính xác những thảo luận và đề xuất của đoàn với Đoàn Chủ tịch. Truyền đạt ý kiến của Đoàn Chủ tịch tới các đại biểu trong đoàn.
4. Trưởng đoàn báo cáo số lượng đại biểu có mặt đầu giờ làm việc của Đại hội cho Ban Thẩm tra tư cách đại biểu, trực tiếp nhận tài liệu của Đại hội cho đại biểu trong đoàn làm các báo cáo theo chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch.

III. ĐOÀN CHỦ TỊCH, ĐOÀN THƯ KÝ, BAN THẨM TRA TƯ CÁCH ĐẠI BIỂU, BAN BẦU CỬ:

Điều 6: Ban Chấp hành Đoàn Viện đề nghị số lượng và danh sách Đoàn Chủ tịch, Ban thẩm tra tư cách đại biểu, Ban bầu cử, Đại hội thảo luận và biểu quyết bằng cách giơ thẻ biểu quyết.

Điều 7: Nhiệm vụ của Đoàn Chủ tịch
1. Thông qua Đại hội dự kiến quy chế làm việc của Đại hội và điều hành trực tiếp, thực hiện chương trình, chấp hành quy chế và nội dung làm việc của Đại hội.
2. Điều hành việc thảo luận đề án kiện toàn nhân sự BCH Đoàn Viện nhiệm kỳ II, báo cáo với Đại hội danh sách ứng cử và đề cử, xem xét cho rút tên hoặc không cho rút tên khỏi danh sách ứng cử, công bố danh sách ứng cử và tổ chức bầu cử theo quy định của điều lệ Đoàn.
3. Chuẩn bị các nội dung, vấn đề để Đại hội thảo luận và biểu quyết.
4. Lãnh đạo việc thông tin về Đại hội, quyết định các tài liệu, ấn phẩm được lưu hành trong Đại hội.
5. Tiếp nhận và xử lý các kiến nghị của đại biểu và của các Đoàn đại biểu.
6. Tổng kết Đại hội.

Điều 8: Nhiệm vụ của Đoàn Thư ký
Đoàn Thư ký do Đoàn Chủ tịch quyết định và báo cáo với Đại hội. Nhiệm vụ của Đoàn Thư ký:
1. Ghi biên bản và tổng hợp ý kiến thảo luận tại Đại hội.
2. Tiếp nhận phiếu đăng ký phát biểu và các thư từ kiến nghị gửi đến Đại hội.
3. Tổng hợp các tài liệu quy định thu hồi (nếu có), soạn thảo nghị quyết Đại hội.

Điều 9: Nhiệm vụ của Ban thẩm tra tư cách đại biểu
Tổng hợp và báo cáo trước Đại hội tình hình đại biểu tham dự Đại hội, số lượng cơ cấu và những trường hợp xét thấy không đủ tư cách để Đại hội quyết định.
1. Xem xét kết luận các tố cáo và khiếu nại về tư cách đại biểu theo đúng điều lệ Đoàn.
2. Tiếp nhận báo cáo điểm danh của các đoàn đại biểu và báo cáo cho Đoàn Chủ tịch vào đầu giờ làm việc của Đại hội.
3. Trong quá trình diễn ra Đại hội, Ban thẩm tra tư cách đại biểu có trách nhiệm theo dõi hoạt động của các đại biểu, nếu có hiện tượng vi phạm quy chế, nội dung thì có thể nhắc nhở, phê bình hoặc đề nghị Đại hội bác bỏ tư cách đại biểu.

Điều 10: Ban bầu cử và nhiệm vụ của Ban bầu cử
1. Ban bầu cử do Đoàn Chủ tịch giới thiệu trong Đại hội là những đại biểu chính thức của Đại hội, không nằm trong danh sách ứng cử nhân sự kiện toàn BCH nhiệm kỳ II và được Đại hội thảo luận, biểu quyết thông qua.
2. Ban bầu cử có nhiệm vụ:
– Làm phiếu bầu theo danh sách ứng cử viên (xếp theo thứ tự A, B, C…).
– Hướng dẫn thể lệ bầu cử.
– Phát phiếu bầu, mời đại biểu kiểm tra thùng phiếu.
– Hướng dẫn đại biểu bỏ phiếu vào thùng.
– Lập biên bản kiểm phiếu và báo cáo kết quả kiểm phiếu.
– Xem xét và báo cáo cho Đoàn Chủ tịch những trường hợp vi phạm nguyên tắc bầu cử hoặc đơn từ khiếu nại về bầu cử (nếu có).

IV. BIỂU QUYẾT VÀ BẦU CỬ TRONG ĐẠI HỘI:

Điều 11:   
1. Cách biểu quyết trong Đại hội được thông qua hình thức:
– Bằng cách giơ thẻ biểu quyết.
– Bằng phiếu kín.
2. Hình thức biểu quyết bằng phiếu kín được áp dụng trong bầu cử nhân sự kiện toàn BCH Đoàn Viện nhiệm kỳ V.
3. Khi bầu cử (hoặc biểu quyết) phải có quá ½ số phiếu bầu so với tổng số phiếu bầu (kể cả phiếu không hợp lệ) hoặc số đại biểu trong đại hội tán thành thì nội dung bầu cử hoặc biểu quyết mới có giá trị.

V. CHẾ ĐỘ THÔNG TIN VÀ PHÁT BIỂU TRONG ĐẠI HỘI:

Điều 12: Phát biểu tại Đại hội:
1. Đại biểu muốn phát biểu ý kiến thì giơ thẻ biểu quyết xin phát biểu hoặc gửi phiếu đăng ký phát biểu cho Đoàn Thư ký, khi Đoàn Chủ tịch mời thì mới phát biểu.
2. Khi phát biểu phải chuẩn bị trước theo nội dung hướng dẫn của Đoàn Chủ tịch và không nói dài quá 5 phút.

Điều 13: Chế độ thông tin và giữ bí mật của Đại hội:
1. Đại biểu chấp hành nguyên tắc bí mật, kỷ luật phát ngôn, không để lộ ra ngoài những công việc của Đại hội.
2. Đại biểu phải thực hiện nghiêm túc chế độ sử dụng và quản lý tài liệu mật theo quy định. Không được lưu hành trong Đại hội và trong đoàn đại biểu những tài liệu, ấn phẩm khác ngoài tài liệu của Đại hội.

VI. CHẤP HÀNH QUY CHẾ LÀM VIỆC:

Điều 14:
Đại biểu tham dự Đại hội có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh quy chế làm việc của Đại hội. Đại biểu vi phạm quy chế, tùy theo mức độ vi phạm sẽ có hình thức xử lý kỷ luật thích hợp, kể cả việc xem xét tư cách đại biểu.